Vợ Người Chiến Binh

•Thân tặng các em học sinh QGNT, có những người cha
hào hùng và những người mẹ can đảm, giàu tình yêu thương.
Hoài Thu Phương


Áo cưới em may,
Còn thơm mùi vải mới,
Rượu hồng em nhắp
Còn thắm ở bờ môi.
Một phút chia phôi,
Nghìn đời vĩnh biệt !
Anh bỏ lại, mẹ con em đơn côi.
Ra đi không thương, không tiếc !
Sao em không biết ?
Lấy chồng chiến binh
Để trở thành goá phụ !
Anh ơi, mỗi độ thu phong,
Dấu con lệ chảy ròng ròng !
Mùa thu, rụng lá ngô đồng
Đau đớn thay, em sống cảnh cô phòng !
Mẹ con em vẫn đợi, vẫn mong.
Hậu mình số phận long đong !
Thương anh chết cả cõi lòng
Tuổi trẻ em khóc chuyện "mất" chồng !
Anh đi trả nợ non sông,
Chờ ngày đoàn tụ thành công,
Ai ngờ số kiếp bềnh bồng !
Em đành ôm con đứng đợi mong !
Chăn đơn, gối lẻ lòng em lạnh.
Bây giờ em cô đơn bất hạnh !
Nhìn thời gian trôi qua nhanh.
Anh chết rồi, đời em vắng lạnh !
Em buồn khóc nơi phố vắng !
Thương nhớ hình bóng anh năm nào !
Anh về tận cõi lao xao !
Còn anh đâu nữa mà mong với chờ
Đời em lạc lõng bơ vơ !
Cuộc sống vô duyên, quá hững hờ,
Tâm hồn em quá xác xơ !
Em sầu lẻ bóng, gió nào lạnh hơn ?

 


Hoài Thu Phương
Cựu Giáo Sư QGNT Saigon

 

NGÀY VINH DANH MẸ
Là một ngày rất trọng đại đối với MẸ của chúng ta để nhắc lại quãng đời đã đi qua và ký ức hồi tưởng lại những ngày lao tâm vất vả với con cái của mình.

Và cũng không có ngôn từ nào để diễn tả xứng đáng người MẸ VIỆT NAM đã trải tấm lòng tận tụy, không ngại vất vả qua bao thế hệ nuôi dưỡng con cái, cháu chắt của mình.

Là Người MẸ đã làm việc vượt qua khó khăn chăm sóc dồn hết tình thương yêu vào con thơ. Vai trò của MẸ càng nổi bật hơn khi vắng bóng người chồng bên cạnh.

Là người Phụ Nữ được gia đình chồng khen ngợi rất quả cảm, gan dạ lẫn kiên cường với trọng trách mang nặng hai vai, thủy chung gánh vác cả một giang san nhà chồng.

Ở một xã hội trong cảnh chiến tranh tương tàn, biết bao nhiêu Quả Phụ khóc thương tiếc người chồng vắn số trong đó có MẸ của chúng ta.

Là Người Mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đàn con thơ. Chúng đã khóc lóc, đòi bồng bế trên tay. Mẹ thức cả đêm với những lời "ầu ơi" ngọt ngào, ru con thơ vào giấc ngủ bình yên.

Là người Mẹ đã lo lắng dạ đau khi con trẻ nóng sốt trở mình. Tình Mẹ được ca ngợi cao cả, thánh thiện vì Mẹ bỏ quên tuổi xuân lo chăm sóc con cái, không nghĩ đến riêng tư cho chính bản thân mình.

Là người Mẹ gắn liền với chữ "lo", dù con cái đã trưởng thành, bước vào cuộc sống xã hội.

Lòng MẸ vẫn nhỏ những giọt nước mắt cảm thông, chia xẻ nỗi lòng yêu thương khi con mình vấp ngã trong cuộc đời, hay gặp những đau thương bất bình.

Mẹ vẫn tự than thân trách mình đã sanh hạ con vào những giờ đen tối để chúng đa mang đời sống đau thương, bất hạnh.

Là người Mẹ góa bụa có đến 50 năm, hơn nửa đời người đã cống hiến công sức không ngừng nghỉ là chăm sóc, nuôi dưỡng các con . Đây là thời gian MẸ chúng ta an dưỡng tuổi già. Người cần được báo đáp hơn bao giờ hết. Công ơn của MẸ như trời biển, như sông sâu nước chảy về dòng.

Ngày Vinh Danh Mẹ cũng là tưởng niệm những bậc Hiền Mẫu của các bạn đã buông xuôi cuộc sống về thế giới bên kia. Người ra đi nhưng lòng luôn trắc ẩn,thương đàn con ở lại bơ vơ.

Ngày VINH DANH MẸ chúng con gởi tấm lòng hiếu để cho người sinh thành và nói rằng :" Chúng con rất yêu Mẹ ", mong thời gian chậm lại để lúc nào cũng có Mẹ Hiền bên cạnh.

Ngày VINH DANH MẸ là một điểm son để nhắc nhở chúng con luôn nghĩ về người Mẹ thân yêu của mình đã cho con tất cả cuộc đời.

Trần Ý Thu

 


 

 

 

 

 

 

Kính tặng những bà Mẹ Quả phụ tử sĩ
NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ LÃNG QUÊN
Dịp Tết vừa qua, tình cờ tôi được gặp một người đàn bà lớn tuổi sống đơn độc trong một túp lều tranh sát bên cánh rừng nhỏ miền Trung . Bà gầy lắm, gầy đến độ tôi chỉ còn thấy ở bà một làn da sạm nắng , cáu bẩn nhăn nheo bao bọc lớp xương khô .

Khi tôi bước đến hỏi thăm, Bà mời tôi ngồi xuống chiếc chiếu duy nhất trong cái lều rách tươm xộc xệch . Đôi mắt mờ đục , kèm nhèm của bà chợt ướt khi nhắc đến người chồng đã hy sinh ở chiến trường, để lại một đàn con nheo nhóc . Bảy đứa con, đứa lớn nhất mới 8 tuổi , đứa nhỏ nhất vừa tròn hai tháng . Tang chồng chưa mãn , biến cố Tết Mậu Thân đã cướp đi hết những đứa con khi một trái bom dội trúng căn nhà của bà. Xác thân bà còn đó, nhưng tâm hồn bà như đã chết theo chồng, theo con từ ngày ấy . Rồi đến 75 , bà chẳng còn gì để mất . Nghèo khổ lại thêm nghèo khổ , công việc mỗi ngày của bà bây giờ là khuân vác từng lóc gạnh nung chất lên xe tải từ sáng sớm đến tối mờ để kiếm đủ ngày hai bữa nuôi thân .

Nghe bà kể, tim tôi đau nhói . Không hiểu vì nhận ra được sự cảm thông của tôi hay vì những đau khổ trong lòng đã tràn đầy, nên bà đã nói, đã kể thật nhiều như không thể dứt. Hồi lâu như chợt nhớ ra, bà lấy cho tôi xem một tấm hình trắng đen cất giữ lâu ngày, tấm hình chụp người chồng đã xuống màu, phai sắc, song cũng đủ để còn nhận ra một người lính với quân phục hoa rừng. Người lính trong thế đứng nghiêm trang mà uy dũng, ánh mắt tự tin đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ mà vẫn đượm vẻ trìu mến yêu thương. Chắc hẳn khi chụp bức ảnh này, anh đang nhớ về gia đình và chờ ngày anh nghỉ phép.

Cầm bức ảnh trên tay, lòng tôi chùng xuống. Một nỗi buồn mênh mang dâng lên, người lính oai hùng năm xưa , giờ chỉ còn lại bóng hình trên mảnh giấy cũ phai mờ. Một gia đình đầm ấm năm xưa, hôm nay chỉ còn lại người vợ quắt queo, sụt sùi theo từng dòng nước mắt khô ứa đọng trên mi .

Tôi nhắm mắt hình dung ra người thiếu phụ năm nào khi chồng đi chinh chiến : chắt chiu từng đồng từng cắc, thức đêm để gói từng đòn bánh tét, ram nồi thịt kho, đem dăm gói thuốc đen, lạng cà phê , lặn lội đến tận những vùng xa xôi heo hút nơi chồng đang đóng quân gác giặc, mong mang lại chút hơi ấm mùa Xuân cho chồng và san xẻ chút tâm tình người hậu phương đến người đầu tuyến lửa, chia chút gian lao với chồng và đồng đội của chàng.

Để rồi sau khi chồng nằm xuống, người thiếu phụ năm xưa đã một mình sớm hôm lặn lội vất vả kiếm sống nuôi con . Rồi chiến tranh đã cướp đi tất cả . Chỉ để lại cho người góa phụ cô đơn một gánh đắng cay, chẳng còn điểm tựa tinh thần , đơn độc bước đi trên đường đời gian nan khốn khổ. Có ai còn nhớ đến họ khi chính họ cũng chẳng mong gì nhớ được chính mình?

Hôm nay đây, trên mảnh đất quê hương : người góa phụ đã hiến dâng tất cả cuộc đời, lẽ sống của mình cho đất nước đang ngồi trước mặt tôi dưới tấm lều rách nát thật cô đơn , thật nghèo nàn. Dòng đời vùi dập. Không biết bao nhiêu mùa xuân đã trôi qua cuộc đời họ ...... Lẽ nào cuộc đời không dành cho những người góa phụ tử sĩ như thế này một mùa xuân?

Tết sắp về với người Việt chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu.Khi ngồi viết những dòng chữ này lòng tôi quặn thắt, khi nghĩ đến những người phụ nữ đã bị lãng quên. Xin ACE hãy cùng với tôi nhớ đến những người góa phụ này , người Mẹ của một trong những chúng ta.. Hãy cùng nhau đem một chút mùa Xuân đến với cuộc đời lạnh lẽo của những người đàn bà chỉ biết một đời âm thầm hy sinh , một đời âm thầm chịu đựng cho đến phút cuối của cuộc đời .
Có ai hay ?

PHAM THANH NGA